I. GIỚI THIỆU:
Sa-pô-chê (Manilkara zapota Linn. Van Royen hay Achras zopota Linn), hay hồng xiêm, là loài cây ăn trái quen thuộc của vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Sa-pô-chê dễ trồng, có thể trồng kể cả vùng đất bị nhiễm mặn ven biển hoặc các vùng tương đối khô hạn nhờ hệ thống rễ ăn khá sâu). Cây Sa-pô-chê có mùa cho trái khá dài trong năm (từ tháng 12 đến tháng 6 dl), năng suất khá cao (20 – 40 t/ha từ năm thứ 7), cây mau cho trái (cây chiết cho trái từ năm thứ 3), nên nó dễ mang lại lợi tức cho những vùng nhiễm mặn hay khô hạn, điều kiện canh tác thường gặp khó khăn và có thể cho lợi nhuận gấp 5–10 lần lúa.
Trái Sa-pô-chê dùng ăn tươi hay chế biến làm kem, mứt, nước trái cây…, nhựa cây (latex) dùng làm nguyên liệu để chế “chewing gum” và dùng trong lãnh vực nha khoa. Gỗ thân Sa-pô-chê được dùng đóng bàn ghế (nhờ có vân đẹp), đồ trang trí, vật liệu xây dựng và các chân móng cầu chịu mặn. Hạt khô xay nhuyễn (chứa saponin, querce-tin và 23% dầu) được dùng trị sán lãi và có tính lợi tiểu.
Trong trái Sa-pô-chê có chứa một lượng dưỡng chất đáng kể gồm: carbohydrates (24,1%), protein (0,5%), lipid (0,9%), khoáng (0,4%), canxi (32 mg%), lân (9 mg%), kali (198 mg%), sinh tố A (85 IU%), sinh tố C (26 – 103 mg%)… (Intengan, C.L & al, 1968; Ylagan, M.M., 1961).
II. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT
Sa-pô-chê có nguồn gốc ở Trung Mỹ, từ Mexico đến West Indies, và hiện được trồng rộng rãi tại Nam Mỹ, Mauritius, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và các nơi khác thuộc nhiệt đới thấp. Tại Trung Mỹ, Sa-pô-chê được trồng rất nhiều, nhưng chủ yếu để lấy nhựa (gum).
Sa-pô-chê thuộc họ Sapotaoeae, tên khoa học Manilkala zopota Linn. Van Royen (tên cũ Achras zapota, Linn.). Họ này có loài Manilkara kauki (Linn) Dub. cũng cho trái ăn rất ngon. Từ Sa-pô-chê bắt nguồn từ tiếng Pháp Sapotille và Sapodilla của tiếng Anh.
1. Thân, lá
Thân Sa-pô-chê có nhiều nhánh, nhưng chúng chậm phát triển. Cây cho lá hầu như xanh quanh năm. Thân cao trung bình (10 – 15 m), nhưng nếu mọc tốt có thể cao đến 20 m. Vỏ thân màu nâu sẫm, dày, xù xì. Cây cho tán tròn hay đa dạng tùy giống. Các giống Sa-pô-chê trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thường cao 3 m, tán rộng 1,3 – 1,6 m sau 3 năm và cao 6 – 8 m, tán 6 – 8 m sau 10 năm; trên 10 năm cây ít cao thêm nhưng có tán rộng đến 10 m.
Lá nguyên, dài, dày, bóng, mọc xen và tạo thành chùm ở ngọn các nhánh nhỏ. Lá non màu vàng nâu và xanh sẫm khi già.
2. Hoa
Hoa Sa-pô-chê nhỏ, trắng, không mùi, có lông tơ mặt ngoài, dài 6 – 8 cm, đường kính khi nở 1,0 – 1,1 cm, cuống mảnh khảnh (dài 1 – 2 cm). Hoa mọc tập trung hay đơn độc từ nách lá nơi gần ngọn nhánh. Hoa có nhiều cánh dính liền ở đáy, dạng hình chuông hoặc phình ở đáy, trắng, chia thành 6 thùy. Bộ nhị đực gồm 6 tiểu nhị cao thấp không đều với bao phấn màu vàng nâu. Nhụy cái gồm bầu noãn mang vòi nhụy với nuốm mọc ló bên trên hoa. Sa-pô-chê chỉ ra hoa ở các nách lá của chồi non trên các nhánh nhỏ. Khi trổ, các hoa bên dưới dễ phát triển và nở trước, rồi các hoa bên trên nở dần lên. Thời gian từ khi xuất hiện mầm hoa đến khi hoa nở khoảng 47 – 58 ngày (trung bình 52 ngày). Thông thường, mỗi chùm hoa trổ khoảng 6 ngày thì xong. Hoa bắt đầu nở khoảng 3 giờ chiều và nở hoàn toàn lúc l giờ trưa hôm sau. Thời điểm thụ phấn từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng thường nhất lúc 10 – 11h30. Hoa bất thụ có màu nâu và rụng sau 7 ngày.
Ở một số giống Sa-pô-chê do núm nhận phấn trễ nên hoa thường phải nhận phấn từ các hoa khác (trên cùng hay khác cây), phấn lại có tỷ lệ bất thụ cao trên cùng giống nên phải trồng xen với các giống khác (thường là giống địa phương) để cung cấp thêm phấn, giúp tăng tỷ lệ đậu trái.
3. Trái
Từ 2 tuần sau khi thụ phấn, bầu noãn đã phát triển thánh dạng trái. Trái chín 4 – 6 tháng sau khi trổ, tùy giống và điều kiện canh tác. Tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Sa-pô-chê ra hoa từ tháng 5 – 11 dl (tập trung vào tháng 7 – 9 dl) và mùa trái chín từ tháng 01 – 5 dl.
Trái Sa-pô-chê hình cầu hay hơi dài, kích thước thay đổi tùy giống (dài 3,0 – 9,5 cm, đường kính 3-8cm, nặng 50-250g), màu đỏ mốc hay vàng nâu khi chín. Một vài giống cho trái nặng đến 700g.
Vỏ trái mỏng, được bao phủ bởi một lớp phấn nâu, lớp này bị tróc loang lổ khi hái chín. Thịt trái có màu vàng đến nâu đỏ, mềm, mọng nước, thơm ngon, ngọt, sớ thịt mịn hay thô (cát) tùy giống. Trái non chứa nhiều mủ trắng, lượng mủ này giảm dần khi trái già. Trái có 0 – 10 hột (thường từ 1 – 4). Hột dẹp, màu nâu sẫm hay đen bóng, có ngạnh bén với vỏ cứng dày 0,6 – 1,5 mm.
III. NHU CẦU SINH THÁI
Sa-pô-chê cần loại đất màu mỡ, dễ thoát nước. Tốt nhất là đất thịt pha cát, xốp và thoát thủy tốt. Đất ngập nước làm cây chậm phát triển, nhất là ở giai đoạn cây con. Dù có thể mọc được ở cao độ đến 2.500 m, Sa-pô-chê chỉ mọc tốt ở độ cao dưới 1.500 m. Cây chịu khí hậu khô và hơi ẩm với mưa phân bố đều. Ở những vùng có mùa khô kéo dài, cây con cần được tưới thường xuyên. Các vùng khô cây thường ít bị sâu bệnh phá hại. Cây Sa-pô-chê ưa nắng, nhưng cũng có thể chịu hơi rợp tốt.
Nhờ nhánh dai và gỗ cứng, Sa-pô-chê có thể trồng tại các vùng có gió mạnh hoặc trồng làm cây chắn gió. Cây chịu mặn tốt nên có thể trồng ở các vùng duyên hải. Ở Philippines, Sa-pô-chê phát triển và cho trái rất sai trên vùng đất cát ven biển.
VI. GIỐNG
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thường trồng phổ biến 2 giống Sa-pô-chê:
– Sa-pô-chê ta: Cây cao khoảng 10 m, mọc khỏe, ít bị nhiễm sâu bệnh, cho nhiều trái (trên 2.000 trái/cây/năm), nhưng trái tròn, nhỏ (nặng 50 – 150 g), vị lạt, thịt thô (cát). Do phẩm chất kém nên ít được ưa chuộng, diện tích ngày càng giảm dần.
– Sa-pô-chê xiêm (Sa-pô-chê lòng mứt, Sa-pô-chê Cần Thơ): Cây cao 7 – 10 m sau 10 – 30 năm trồng, tán rộng 6 – 10 m. Lá xanh sẫm và dày hơn Sa-pô-chê ta. Cây cho năng suất 50 – 200kg trái/cây/năm tùy điều kiện chăm sóc. Trái to, nặng 150–300g, dài 7-10cm, đường kính 4,5-6,0cm, thịt mịn, thơm, ngọt, rất hợp thị hiếu người tiêu dùng. Nếu trồng tốt, Sa-pô-chê xiêm có thể cho năng suất 20 – 40 T/ha (với mật độ 150 – 200 cây/ha trên đất có mương liếp của Đồng Bằng Sông Cửu Long). Giống này có 2 dòng ruột (thịt) tím và ruột hồng thường được trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Giống này cho tỷ lệ hoa rụng khá cao nên cần trồng xen thêm trong vườn một ít cây Sa-pô-chê ta (có nhiều phấn) để tăng thêm khả năng đậu trái của giống.
Ngoài 2 giống trên còn có loại Sa-pô-chê dây (trứng ngỗng) của vùng Sóc Trăng (trái to 200 – 300 g, thịt hơi nhão), Sa-pô-chê dây Bến tre (trái to, 400 – 600 g, thịt mịn), Sa-pô-chê vỏ xanh (thịt mịn, ngọt), và Sa-pô-chê rừng (trái nhỏ, phẩm chất kém).
V. NHÂN GIỐNG SA-PÔ-CHÊ
- Ươm hột: Chỉ dùng làm gốc tháp vì cây trồng hột chậm cho trái và không giữ được tính tốt của cây mẹ.
- Chọn và xử lý hột: Hột lấy từ trái chín tốt và rửa sạch (không nên chọn hạt ở các trái thối vì tỷ lệ nảy mầm kém). Hột được hong khô và nên tồn trữ khoảng 1 tháng trước khi gieo để hột nẩy mầm tốt hơn, Khi gieo, nên đập nứt vỏ hột (tránh làm tử điệp bị thương) để giúp tăng tỷ lệ nảy mầm và rút ngắn thời gian mọc mầm. Hột gieo trên liếp ươm pha cắt với khoảng cách 2cm, sâu 1cm. Hột sẽ lên mầm khoảng 30 ngày sau khi gieo (tùy giống).
- Chăm sóc liếp ương: Cây có 2 lá thật được cấy sang bầu đất. Không nên cấy trễ hơn vì cây sẽ chậm hồi phục. Đất làm bầu là đất thịt pha cát hay pha sét trộn với phân hữu cơ, xốp để dễ thoát nước. Cây con vừa cấy nên được tưới thường xuyên và che mát để mau phục hồi, sau đó giảm che dần.
Sau 15 tháng cây cao khoảng 12 cm, cần bón thêm phân đạm cách 3 – 4 tháng để cây mau phát triển. Cây con có thể sử dụng làm gốc tháp sau 2 – 3 năm tuổi, tùy cách tháp.
- Nhân giống vô tính: Hai phương pháp thường được áp dụng nhất cho Sa-pô-chê là chiết và tháp. Phương pháp giâm cành ít được áp dụng vì thường cho hiệu quả kém.
- Chiết cành: Là phương pháp phổ biến nhất trên Sa-pô-chê, nhưng có nhược điểm là hệ số nhân giống không cao. Vật liệu chiết thường là rễ lục bình, rễ gùa, xơ dừa, rơm (trộn đất sình) hay tro trấu … Rễ gùa, tro trấu và xơ dừa (loại mịn) là vật liệu chiết thích hợp trong mùa mưa nhờ lâu mục và không quá ẩm.
Khi chiết, nên chọn nhánh cho trái khỏe, không quá già, đường kính 1,5-3,0 cm. Nhánh tốt và chiết đúng phương pháp sẽ cho rễ tốt sau 4 – 6 tháng. Mùa chiết thường bắt đầu từ tháng 12 dl và có thể kéo dài quanh năm, nhưng tốt nhất là chiết đầu mùa khô để kịp trồng trong mùa mưa.
Sau khi chọn nhánh, dùng dao bén khắc khoanh bỏ lớp vỏ thân một đoạn dài – 5 cm, để ráo trong 7 – 15 ngày, sau đó bó vật liệu đã nhúng ẩm và dùng bao ny lông bao lại. Một số nông dân còn dùng dao rạch bên trên vết khắc 2 – 4 đường ngắn (thẳng góc với vết cắt) để giúp rễ mau phát triển. Cách 1 tháng/lần quan sát bầu chiết và thêm nước để đủ ẩm (có thể dùng ống chích để bơm nước vào bầu), rắc thuốc sát trùng hạt (Basudin, Furadan, …) nếu có kiến phá hoại (nhất là trong mùa mưa).
Cành chiết được cắt khi rễ mọc nhiều, phân nhánh, rễ đâm ra khỏi bầu và đã trở màu vàng nâu. Dùng cưa, dao hay kéo cắt cành (scecateur) cắt khoảng 3 – 5 cm bên dưới cành. Nhánh chiết được giâm trên liếp giâm hoặc trong bầu đất, bội tre, có cây chống đỡ gió, cắt bớt một phần lá non, để nơi mát và đem dần ra nắng đến khi có đọt non mới bứng đem trồng. Tỷ lệ thành công khoảng 60%. Để cành chiết mau ra rễ, sau khi khắc có thể xử lý với chất điều hòa sinh trưởng NAA hay IBA, tốt nhất là khi phối hợp IBA + NAA.
- Tháp: Ít thông dụng ở Việt nam, nhưng rất phổ biến tại Philippines. Có 3 kiểu tháp trên Sa-pô-chê: tháp cành, ghép, áp nhánh và tháp mắt, trong đó tháp mắt là phương pháp kém hiệu quả nhất.
– Tháp cành (cleft, grafting): Chọn gốc tháp đã có 1 – 2 tuổi, đường kính thân hơn 1 cm. Chọn nhánh non cho trái khỏe, có mầm đang phát triển, đường kính tương đương với gốc tháp để làm cành tháp. Cành tháp được khắc vỏ vào 2-3 tháng trước để dự trữ chất khô, sau đó phải lảy bỏ toàn bộ lá vào l tuần trước khi thắp. Khi tháp, cắt lấy cành tháp một đoạn dài 8 – 12 cm (từ ngọn), vạt xéo đầu và nhét vào vết cắt ở đầu gốc tháp (đã cắt ngọn) như thông thường. Cành tháp sống sẽ đâm chồi mới sau 30 ngày, sẵn sàng để đem trồng sau 3 – 4 tháng và cây cho trái sau 15 năm. Nên tháp vào các tháng khí hậu mát (10 – 01 dl) để có thể cho tỷ lệ cây sống cao (80 – 90%).
– Tháp áp (inarching): Chọn gốc và nhánh tháp có đường kính hơn l cm, tương đương nhau. Nhánh tháp và gốc được vạt một phần thân, buộc áp vào nhau và cắt sau 3 – 4 tháng. Phương pháp này có thể áp dụng quanh năm và cho tỷ lệ thành công cao (có thể đến 95 – 100%). Cây tháp ra hoa sau 2 năm.
– Giâm cành: Thành công rất thấp dù đã xử lý với chất điều hòa sinh trưởng, vì gỗ Sa-pô-chê cứng và chứa nhiều nhựa. Chọn các cành non (dài 15 cm từ ngọn) đem nhúng chậm trong dung dịch IAA, NAA hay IBA. Nhúng chậm 24 giờ trong 100 ppm IBA cho hiệu quả cao hơn nhúng nhanh. Tỷ lệ thành công còn tùy thuộc giống. Có thể khắc vỏ cành giâm 3 tuần trước khi cắt cũng giúp tăng thêm tỷ lệ ra rễ của cành.
VI. KỸ THUẬT CANH TÁC SA-PÔ-CHÊ
1. Sửa soạn đất trồng
Đào lỗ rộng 60 cm, sâu 50 cm vừa đủ đặt cây con. Trồng diện tích lớn cần cày xới kỹ, sâu để đất tơi xốp và thoáng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có đất thấp nên cần lên liếp (rộng 6 – 8 m); cây trồng thành hàng đơn trên mô (cao 40 cm, rộng 1,0 m), đào lỗ nhỏ đường kính 40 cm ở giữa mặt mô để đặt cây con.
2. Khoảng cách trồng
Tùy giống và điều kiện đất đai. Các giống có tán xòe nên trồng với khoảng cách 12 – 14 m mỗi cạnh; các giống tán đứng chỉ cần trồng cách nhau 7-9 m. Giống Sa-pô-chê xiêm cho tán gọn 6–8 m nên có thể trồng khoảng cách giữa hàng 7-8 m (kể cả mương) và trên hàng 6 m. Nếu trồng 2 – 3 hàng trên liếp, có thể trồng kiểu nanh sấu hay chữ ngũ với khoảng cách 7 m.
Khi trồng nên lột bỏ vỏ bầu đất và cắt bớt một phần lá để giảm bớt bốc thoát hơi nước. Cần chuẩn bị hố trồng 1 – 2 tháng trước với đất trộn phân chuồng và tro trấu. Sau khi trồng cần nén đất và tưới đẫm để giảm các lỗ hổng lớn trong đất. Cây con trồng xong cần được che mát để ít bị mất nước. Mùa trồng cây con tốt nhất là đâu mùa mưa. Cây con trồng từ nhánh chiết thường được trồng nghiêng để cho nhiều tược và mau có trái.
Trong các năm đầu, cây còn nhỏ, có thể trồng xen các cây họ đậu để phủ đất, giảm cỏ dại và giúp đất thêm màu mỡ. Cũng có thể xen chuối, đu đủ, khóm, mãng cầu… cần loại bỏ các cây xen khi Sa-pô-chê gần giao tán.
3. Tưới và tiêu nước
Trong 3 năm đầu, cây con cần được cung cấp nước đầy đủ nhất là trong mùa khô. Thường phải tưới khoảng 2 ngày/lần, tối thiểu cũng 2 lần/tuân. Số lần tưới có thể giảm dần theo mức độ trưởng thành của cây, nhưng tối thiểu cũng phải 1 – 2 lần trong mùa khô. Các vùng đất cao ở miền Đông hoặc vùng triền núi ở An Giang khó cung cấp nước trong mùa khô có thể đặt cây sâu 0,4 – 0,5 m so mặt đất để rễ ăn sâu, dễ tìm nước.Trong mùa mưa, cần chú ý thoát nước vì ngập nước dễ làm giảm năng suất và phẩm chất trái.
4. Bón phân
Nhiều nông dân ít quan tâm bón phân cho Sa-pô-chê, do đó cây cho ít trái, trái nhỏ làm năng suất thấp.Các kết quả điều tra về kỹ thuật canh tác Sa-pô-chê tại đồng bằng sông Cửu Long của Đại học Cần Thơ cho thấy để đạt năng suất cao (20 – 40 t/ha), ngoài yếu tố mật độ, có thể bón phân cho Sa-pô-chê như sau:
– Trong thời kỳ cây tơ đến khi bắt đầu cho trái (năm thứ I đến năm thứ III): Tăng dần lượng phân mỗi năm từ 50-150 g Urea + 2-3 kg GREENFIELD 555 và 30-100 g KCl mỗi cây/năm. Lượng phân này được chia 3 – 5 lần bón cách nhau 2 – 4 tháng.
– Trong thời kỳ cây trưởng thành: Lượng phân bón gia tăng đến khi cây được 10 tuổi và sau đó ổn định hằng năm. Lượng phân bón từ 0,5 – 2,0 kg Urea + 3-4 kg GREENFIELD 555 và 0,3 – 0,5 kg KCl cho mỗi gốc/năm (hoặc 1,5 – 4,5 kg phân 16-16-8 mỗi cây/năm). Lượng phân này được chia 2 – 4 lần bón vào các tháng 2-5-7-10 dl.)
Phân được bón bằng cách đào từng lỗ nhỏ hoặc đào thành rãnh 1/2 vòng hoặc từng lỗ nhỏ quanh tán lá, rải phân và lấp đất lại. Lần bón sau sẽ bón ở ½ vòng quanh tán còn lại. Riêng cây con có thể hòa nước để tưới (nồng độ 0,5%).
5. Cắt tỉa
Cây Sa-pô-chê con nhỏ cho tán dày và đều nên không cần cắt tỉa nhiều, chỉ cần cắt bỏ các nhánh thấp xòa trên mặt đất và cắt bỏ ngọn cành tược (mọc thẳng đứng) là đủ. Đối với cây lớn chỉ cần xén bỏ những cành yếu ớt hoặc bị sâu bệnh phá hại. Khi cây quá già, cho trái nhỏ có thể tỉa, cưa bỏ các nhánh già, xấu để cây cho nhiều nhánh mới, khỏe và cho trái to. Tỉa nhánh thường được tiến hành sau khi thu hoạch, vào cuối mùa khô (4 – 5 dl).
VII. CÔN TRÙNG PHÁ HẠI
Cây Sa-pô-chê có thể bị một số côn trùng phá hại:
1. Sâu đục bông (Fustalodes anthiuora, Clarke; Lepidoptera).
Thành trùng là bướm nâu nhỏ, cánh căng ngang 1,2 cm. Bướm đẻ trứng vào đêm trên hoa sắp nở. Sâu non nở ra ăn cánh hoa và cắn phá bầu noãn làm giảm số trái thụ và giảm năng suất. Sâu màu nâu đỏ, dài 0,6 cm, nhộng màu nâu sẫm. Vòng đời gồm:
Trứng (2 – 5 ngày) – Sâu (11 ngày) – Nhộng (5 ngày) và bướm. Sâu có thể bị diệt bằng một số loài thiên địch. Có thể xịt các loại thuốc thông dụng Tiper 25EC, SauAba 3.6EC, Newgreen 2.0EC, Nongiaphat 500EC…xịt vào trước khi hoa nở.
2. Sâu đục trái (Alophia sp., Pyralidae, Lepidoptera):
Sâu bắt đầu đục phá lúc trái đạt 1 cm đến sắp thu hoạch. Từ trái bị đục, sâu có thể di chuyển sang các trái lân cận trên cùng nhánh để phá hại. Đối tượng rất quan trọng trên Sa-pô-chê vì có thể làm thất thu 30% năng suất và làm 60% số trái không có giá trị thương phẩm.
Thành trùng là bướm nâu, sải cánh 2,5 cm. Sâu màu hồng, thân có nhiều chấm đen, dài tối đa 3 cm, hóa nhộng (màu nâu sẫm) bên trong trái. Thường gây hại từ tháng 12 – 3 dl tại ĐBSCL.
Phòng trị bằng cách hái bỏ và thiêu hủy tất cả trái bị sâu mùa trước còn sót lại để không lây lan mùa sau. Xịt các loại thuốc lưu dẫn như Tizonon 50EC cách 2 tuần từ khi đường kính trái được 1 cm đến 2 tuần trước khi hái. Cũng có thể nuôi kiến hôi để diệt sâu (nhưng cần đề phòng vì kiến hôi thường nuôi rệp sáp để hút mật).
3. Ruồi đục trái (Dacus dorsalis Hendel)
Tấn công trái chín. Ruồi có kích thước gấp 2 ruồi nhà (dài 1 cm), màu nâu nhạt, có nhiều đốm vàng cam ở đầu và lưng, cánh trong suốt và có viền nâu ở mặt ngoài. Ruồi cái đẻ trứng ở bề mặt trái, giòi nở ra đục vào trong tạo thành chấm đen có quầng trên vỏ trái. Dòi đục phá bên trong làm trái thối, sau đó nó chui ra, rơi xuống đất và hóa nhộng trong vỏ kén màu nâu sẫm. Ruồi cũng tấn công cam, quýt, ổi, táo, dầu, chuối, vú sữa, chôm chôm, xoài, đu đủ và gây thiệt hại đáng kể.
Phòng trị bằng cách thu hoạch trái khi vừa chín. Dùng bã mồi (khóm, nước tương, dấm đường, thân và lá cây é tía đập dập) hay chất dẫn dụ (Methyl eugenol) trộn thuốc để diệt ruồi. Xông hơi kho vựa tồn trữ với Methyl bromide để trị dòi.
4. Bọ đục cành (Niphonoclea albata Newm; Coleoptera)
Thành trùng là bọ cánh cứng màu nâu, có đốm xám, dài 2 cm cắn phá vỏ thân và đẻ trứng từ nơi gần ngọn cành (cách ngọn 40 cm) trở xuống thân. ấu trùng (sùng) màu trắng, không chân, dài 1,8 cm, đục phá và hóa nhộng bên trong. Sùng cũng gây hại trên xoài, ổi, dâu, chôm chôm và hoa hồng. Sùng thường phá hại nặng vào đầu mùa khô, hiện diện trên đa số vườn Sa-pô-chê ở ĐBSCL.
Hiện nay chưa có thuốc trừ nên phun phòng là chủ yếu. Nên phun phòng bằng Tizonon 50EC xung quanh gốc.
5. Nhóm chích hút: Gồm có:
- Rệp dính (Coccus viridis) và rầy mềm (Aphis sp.): Tấn công mặt dưới lá non để chích hút nhựa, tiết ra chất đường gây nấm bồ hóng làm giảm quang hợp của lá. Loài rệp dính cũng gây hại trên cam quýt, ổi và vú sữa. Dùng các loại thuốc Tipho-Siêu 400EC, Nôngia-hy 155SL, Hosthathion, Bassa, Bi – 58, Dimecron… để trị. Tỉa bỏ và tiêu hủy các nhánh bị thiệt hại nặng.
- Rệp sáp (Ferrisia virgata): Tấn công lá và trái làm lá rụng, trái nhỏ và giảm phẩm chất. Rệp dài 0,3 cm, mình bao phủ bởi lớp sáp trắng, đuôi có 2 ống sáp dài. Con đực trưởng thành có cánh, thường nhỏ và ít thấy. Cũng gây hại trên mãng cầu ta (na), bơ, chuối, ổi và đu đủ. Phòng trị bằng các loại thuốc Tipho-Siêu 400EC, Nôngia-hy 155SL,….
VIII. BỆNH HẠI SA-PÔ-CHÊ
- Bệnh đốm rong (nấm Cephaleume canescens). Tấn công thân và nhánh. Nấm bệnh tạo thành các đốm vàng hay xám xanh, loang lổ trên thân và nhánh lớn. Bệnh chỉ làm cây mất sức, nhưng có thể tạo điều kiện cho các loại bệnh khác tấn công. Phòng trị bằng cách xịt Nôngiabao 310EC, Awin 100SC, Tipozeb 80WP, Tinomyl 50WP, hoặc các loại thuốc gốc đồng (hỗn hợp Bordeaux, Oxyd chlorure đồng, Copper Zinc…). Có thể dùng vôi quét tường phết lên gốc thân để ngừa.
- Bệnh đốm lá (nấm Phaeophleospora indica). Nấm bệnh tấn công lá và trái. Trị bằng cách phun Nôngiabao 310EC , Tipozeb 80WP, Tinomyl 50WP,…
IX. THU HOẠCH VÀ TỒN TRỮ
Trồng bằng hột, Sa-pô-chê cho trái sau 6 – 10 năm trồng. Trồng từ nhánh chiết, đặc biệt với các nhánh lớn, cây có thể cho trái sau 1 năm, nhưng thường cho trái sau 3 – 5 năm. Trồng từ cây tháp sẽ cho trái sau 5 – 6 năm.
Năng suất Sa-pô-chê tiếp tục tăng từ khi cho trái đến 30 năm sau. Ở tuổi ổn định, 1 cây có thể cho đến 2.000 – 3.000 trái/năm.
Trái sắp chín có vỏ chuyển sang màu nâu (sau khi đã chà tróc lớp phấn bao) trong lúc trái non có vỏ xanh (nên quan sát phía vỏ trái không bị phơi ra nắng). Để tiêu thụ trong gia đình hay chuyên chở gần, nên thu hoạch khi trái vừa chín tới (hái còn rất ít hay không có mủ chảy ra). Hái lúc này trái chín sau 1 – 3 ngày. Chuyên chở xa cần hái hơi sớm hơn.
Vì trái ra hoa và chín không tập trung, cần lựa và hái trái thành từng đợt cách 1 – 2 tuần/lần bằng lồng hay leo hái. Không nên hái trễ vì trái chín rụng dễ bị dập, dễ bị ruồi đục trái, chim (trao trảo), chuột, sóc, nhện, dơi… phá hại.
Tại ĐBSCL, trái thu hoạch xong (còn cứng) thường được nông dân đem dú (rấm hái) trước khi bán. Trái thu xong được phân loại (đối với Sa-pô-chê xiêm): Cơi (nặng 250 – 300 g/hái), trung (120 – 150 g/trái) và nhỏ (50 – 80 g/trái). Sau đó chà rửa sạch lớp phấn (da cám) còn bao quanh trái, để ráo qua một đêm và phơi nắng một buổi (4 giờ) vào sáng hôm sau. Trái sau đó được chất thành lớp dày khoảng 1 m trong các lu lớn (mái đầm) có lót lá chuối khô để dú khí đá (đất đèn). Lượng khí đá cần thiết để dú 1.000 kg trái ước lượng khoảng 100 – 120 g. Thời gian dú là 24 giờ (nếu phải vận chuyển xa) hoặc 36 giờ (nếu tiêu thụ gần) là đủ.
Trái già thu hoạch còn được ngâm trong nước vôi và đem phơi nắng ăn rất ngọt và dòn. Trái Sa-pô-chê chín có thể tồn trữ ở nhiệt độ bình thường trong phòng trong 2-3 ngày. Nhiệt độ lạnh 0oC có thể trữ 2 tuần. Trái già chưa dú có thể giữ được 17 ngày ở nhiệt độ 150C, nhưng cần thận trọng vì trữ ở nhiệt độ thấp hơn làm trái khó dú chín sau đó.
Trồng Sa-pô-chê lấy nhựa (latex) thường thu hoạch khoảng 14-15 kg nhựa cây/năm. Cách lấy nhựa tương tự như lấy mủ cao su, nhưng chỉ nên khai thác 3 năm/lần và thường là trên cây rừng. Nhựa thô sau khi sơ chế thành gôm (gum) (còn 25 – 40%) chứa 40% resin được dùng điều chế “chewing gum gôm các khâu rửa, sấy khô và trộn mùi + dầu. Hiện nay nhựa Sa-pô-chê cũng đang được thay thế dần bằng nhựa tổng hợp nên thị trường này cũng giảm đi.